Chủ Nhật, 1 tháng 1, 2012

CỬU VIỆT – Cơ Sở Lý Luận cho hướng đi, suy nghĩ và hành động.

1. Việt Tâm:
Người đời xưa cho Tâm là nơi xuất phát suy nghĩ, như sách Mạnh Tử viết: “Tâm Chi Quản Tắc Tư”. Cho nên cái gì thuộc tư tưởng đều gọi là Tâm. Người đời nói chung, có thể chia Tâm làm hai loại là Tà Tâm và Chính Tâm. Nhà Phật thì nói Vọng Tâm và Chân Tâm.

Người mình ngay từ khi sinh ra, tiếng ầu ơ và dòng sữa mẹ đã nuôi dưỡng theo năm tháng. Khi lớn khôn, hình ảnh lũy tre đầu làng, con trâu trên cánh đồng vàng, bờ sông Hậu hay phố chợ đông người, đã trở thành hình ảnh thân thương. Tình yêu xóm làng, tình yêu quê hương xuất phát từ đó – một dòng cảm xúc Việt Tâm.

Người có Việt Tâm, phàm làm việc gì, đều nghỉ đến cái lợi chung cho xã hội, mới thật là chí công vô tư, vì quyền lợi dân tộc. Thấy cảnh nước mình nghèo mà đau, thấy người bị tù vì không theo đường lối Cộng sản mà xót. Việt Tâm không ở đâu xa xôi, ở ngay trong trái tim mỗi chúng ta.

2. Việt Sử:
Chữ Sử, theo văn tự giáp cốt, biểu thị văn thư ký lục của chưởng quan. Sách Lễ Ký viết: “Động tắc tả sử thư chi, ngôn tắc hữu sử thư chi”, nghĩa là mọi việc văn võ xảy ra đều có các sử quan tả hữu ghi chép lại.

Lịch sử nước ta là dòng lịch sử 4000 giữ nước và gầy dựng bờ cỏi. Sử sách được xem như nguồn cội của một dân tộc. Đọc sử, nghiên cứu sử giúp ta hiểu hơn dân tộc Việt Nam, thế hệ trước kia đã làm nên một nước Việt như thế nào, thế hệ hôm nay cần phải làm gì để vực dậy một dân tộc.

3. Việt Đạo:
Đạo là đường dẫn, chỉ dẫn. Mạnh Tử giảng chữ Đạo như đạo đức, nghĩa lý bất biến: “Đắc đạo đa trợ, thất đạo quả trợ”. Đạo, theo Khang Hy tự điển, còn có ý nghĩa như học thuyết, tư tưởng, như câu “chí đồng đạo hợp”. Người Trung Hoa dùng chữ Giáo biểu thị tôn giáo (religion), còn người Việt dùng chữ Đạo, như nói Đạo Phật, Đạo Công Giáo, Đạo Hòa Hảo, Đạo Cao Đài, vân vân.

Chữ Đạo trong Việt Đạo mang ý nghĩa các dòng đạo mà người Việt đang thờ phụng. Đời sống tinh thần của con người luôn cần có tôn giáo. Đạo không bao giờ có thể bị diệt bỏ ra khỏi đời sống tâm linh của người Việt, cho dù dùng bất cứ biện pháp khắc nghiệt nào.

Việt Đạo trong Cửu Việt chủ trương sự tự do tôn giáo, tự do tâm linh, tự do thờ phượng. Trong thời gian hai trăm năm qua, lịch sử Việt Nam với những bài học xương máu về vấn đề tôn giáo đã quá đủ cho chúng ta hôm nay thấy cái ý nghĩa to lớn về Đạo sống trong Việt. Đó chính là con đường nghĩa lý bất biến của Việt Đạo.

4. Việt Luận:
Theo Thiều Chửu tự điển, thì bàn bạc, xem xét sự vật, rồi nói ra phải trái thị phi, gọi là Luận. Như Công Luận là lời bàn chung của số đông người. Sách Hán Thư-Vương Mãng Truyện giải nghĩa Luận như sự cân nhắc suy nghĩ rất kỹ lưỡng: “Luận chi tư chi, chí dư tái tam”.

Việt Luận mở ra con đường cho những người có Việt Tâm, con đường nghiên cứu, rút tỉa những bài học lịch sử, vạch định, khai mở con đường mới để phục hưng, canh tân đất nước.

5. Việt Tộc:
Dòng dõi con cháu cùng một liêu thuộc với nhau gọi là Tộc, như trong Đào Đức Minh Thích Văn ghi: “Thượng tự cao tổ, hạ tự huyền tôn, phàm cửu tộc”.

Nhìn lại Việt sử từ thời kỳ Loạn Phong Kiến Việt Nam – Nam Bắc Triều (1527) cho đến nay. Có thể nói Việt Nam là một lãnh thổ gồm các thành phần xung đột lẫn nhau. Xung đột vì tranh giành quyền lực, vì chính trị, vì tôn giáo, vì địa phương tính, vì ý thức hệ. Ba triệu người Việt hải ngoại, cùng 83 triệu dân trong nước, xét cho kỹ, cũng giống như tảng băng vở, trôi lênh đênh!

Tại sao lại xung đột như vậy?

Cơ bản, là vì thiếu cái Tâm của Việt. Chung quy mà nói, họ chỉ có Gia Tộc và Tông Tộc. Mong muốn phì gia phú quý bằng mọi cách, bằng cái giá của những đồng bào khác. Họ tôn thờ gia tộc, sùng bái tông tộc, nhưng lại thiếu đi tính Quốc Tộc. Tôn Trung Sơn trong Tam Dân Chủ nghĩa đã chỉ ra cái thiếu sót ấy, nên đã đưa Cách mạng Tân Hợi 1911 thành công và một Đài Loan thịnh vượng, nhạy bén. Điều này giải thích tại sao cảnh nồi da xáo thịt xảy ra ở ta. Quốc Tộc ở đây, chính là Việt Tộc.

Tuân Tử trong Quyền Học, đã nhận xét: “Can, Việt, Di, Mạch chi tử, sinh nhi đồng thanh, trưởng nhi dị tục, giáo sử chi nhiên dã” – ý là những dân tộc chung quanh Trung Hoa xưa, cần phải dạy dỗ họ (!). Ngày nay, những dân tộc ấy như Nhật Bản đã dạy lại Trung Hoa, dân tộc Hàn quốc thành những ông chủ trên đất Trung quốc, còn dân tộc Việt thì về kinh tế người Đài Loan qua làm chủ, về chính trị thì Cộng sản Việt Nam sang chầu. Việt Tộc có đủ sức tồn tại và phát triển hay không?

Hòa hợp, hòa giải, đoàn kết là phương cách tạo ra một khối dân tộc mạnh, để dân tộc này sống đủ và sống mạnh, và sống vượt đuổi các dân tộc láng giềng.

6. Việt Quốc:
Quốc là nước; nước phải có đất có dân, có sự hiện diện của chính quyền cai trị. Thời nhà Chu, đất nước dưới quyền cai trị của thiên tử (vua) gọi là Thiên Hạ. Ngày nay người ta dùng từ “toàn quốc”.

Nước Việt thời Việt Thường, rộng cả một vùng phía nam sông Dương Tử (nay là Trường Giang), giữa Động Đinh hồ và núi Nam Lĩnh, trung tâm điểm là xứ Việt Chương. Sáu trăm năm nước Việt của vương quốc Câu Tiễn (thế kỷ thứ 6 trTL) đã làm khốn đốn đội binh viễn chinh Tần. Đất Việt bị chia cắt, sát nhập, người Việt một phần, hoặc bị đồng hóa, hoặc di chuyển dần về phương nam.

Nam quốc sơn hà, nam đế cư, nước Việt ta nay dừng lại bên bờ vịnh Thái Lan. Lịch sử giữ nước vẫn còn tiếp tục nặng nề. Chính quyền Cộng sản Việt Nam từ khi nắm quyền đã dâng đất đai, lãnh hải của tổ quốc cho Trung Cộng. Hầu hết quần đảo Hoàng Sa, những dãi đất vùng biên giới. Mới đây nhất là vùng thác Bản Giốc và hàng chục ngàn hải lý biển Bắc bộ đã bị dâng nạp. Nỗi nhục này, tội ác này sử sách muôn đời ghi.

7. Việt Tử:
Tử là con, bất luận con trai hay con gái. Người có học thức và đức hạnh được gọi kèm với chữ Tử, như Khổng Tử, Tuân Tử, ...

Việt Tử gọi chung cho những người con nước Việt, bất luận nam nữ già trẻ. Nhận thức được Việt tức sống vì một nước Việt tươi sáng hơn. Giới nam nữ thanh niên khi nhận ra rằng bản thân là một người con đất Việt, thì phàm việc đất nước ngã nghiêng, dân tình đói khổ, tổ quốc lâm nguy hay nạn giặc tham nhũng quấy phá thì nhất định không khoanh tay đứng yên.

Tại sao giới thanh niên sinh viên Hàn quốc, Nhật bản, Đài Loan, Thái Lan luôn tham gia vào việc kiểm soát chính phủ họ bằng biểu tình, bãi công, bãi khóa ? Lý do là vì trong họ có cái Tâm, có cái Tộc và họ nhận ra đất nước đang cưu mang họ là chính quê hương của họ.

Một chính quyền độc tài, tham nhũng, những chính sách bất công bằng, đều không thể dung túng chấp nhận. Nó làm cho quê hương Việt Nam nghèo đi. Trách nhiệm của chúng ta đang ở đâu?

8. Việt Chiến:
Theo Thiều Chửu tự điển, Chiến là hai bên dàn trận đánh nhau. Tả Truyện – Trang Công Thập Niên, viết “Trung chi thuộc dã, khả dĩ nhất chiến, chiến tắc thỉnh tùng”. Thanh Hoa tự điển thì nói Chiến tương đồng với Đấu.

Việt Chiến là sự đúc kết và phát huy chủ nghĩa anh hùng dân tộc Việt Nam qua suốt bốn ngàn năm. Chủ nghĩa anh hùng dân tộc phải được xây dựng từ hai gốc độ: những cuộc đấu tranh gìn giữ bờ cõi và đồng thời những công cuộc xây dựng đất nước.

Tinh thần Việt Chiến sẽ hướng dẫn chúng ta giành lại đất đai mà Cộng sản Việt Nam đã dâng cho Trung Quốc, quyết tâm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời và lãnh hải của tổ quốc. Tinh thần Việt Chiến sẽ dẫn dắt chúng ta đập tan Giặc Tham Nhũng, chiến đấu trên mặt trận kinh tế, cạnh tranh với các nước khu vực, xóa cái Nhục Thua Kém mà chủ nghĩa Cộng sản đã tạo ra.

9. Việt Linh:
Người Sở đời xưa gọi việc nhảy múa cầu thần xuất thế là Linh. Trong Đại Đái Lễ Ký, ghi lại Tăng Tử giảng nghĩa về Thần và Linh như sau: “Dương chi tinh khí nhật thần, âm chi tinh khí nhật linh”, nghĩa là khí tinh anh của khí dương gọi là Thần, khí tinh anh của khí âm gọi là Linh. Vật gì được khí tinh anh đúc tụ đều hơn cả vật cùng loài với nó. Hai chữ Tứ Linh để gọi lân, phượng hoàng, rùa, rồng, đều là các giống vật linh thiêng. Loài người là giống linh thiêng hơn hết - vạn vật chi linh.

Việt Linh là Hồn Việt, tinh anh khí Việt, những anh hùng dân tộc, những người đã bỏ mình vì sự sinh tồn của dân tộc, vì sự nghiệp muôn đời phát triển của đất nước. Sống với Việt Tâm, chết đi về Việt Linh, xứng đáng làm con cháu Vua Hùng.

Kết Luận:

Phàm là người Việt, ăn uống, sinh hoạt, sống theo lối Việt, thì tất nhiên cũng có ít nhiều Việt Tâm. Dòng lịch sử Việt Nam sẽ thăng hoa Việt Tâm để trở thành người yêu nước, người yêu quê hương đất mẹ. Khi lớn lên, ngôi chùa, nhà thờ, cái đình, mái am trở thành nơi nuôi duỡng tâm linh của ta. Bảo vệ sự tự do tín ngưỡng, tự do theo cái Đạo, sẽ phát huy giá trị đời sống tinh thần, đóng góp sự an lành trong xã hội. Niềm hạnh phúc an bình của người dân có được hay không, có được không ngừng cải thiện và phát triển hay không, nó phụ thuộc vào tính tích cực tham gia của người dân vào quản lý đất nước. Bên cạnh chăm lo đời sống cá nhân, chúng ta không thể làm ngơ trước cảnh đất nước ngã nghiêng vì tuột hậu và nghèo đói. Tộc mạnh thì Quốc mới mở mang, đất nước mới hùng cường.

Trách nhiệm của người thanh niên, con đất Việt là luôn nhận thức tình trạng quê nhà, xác định vị trí cá nhân, vị trí quốc gia, cảm nhận cái nhục thua kém hiện nay, mà hãy bước ra khỏi phạm vi nhỏ hẹp cá nhân, tham gia vào tiến trình đưa Việt Nam ra khỏi vòng độc tài-tham nhũng nghiêm trọng.

Chủ nghĩa anh hùng dân tộc đặt nền tảng nơi lòng dũng cảm của Việt Tử. Ta không có ngoại xâm, nhưng ta có Giặc tham nhũng, ta không có một thiên đường Xã hội Chủ nghĩa, mà ta đang gánh chịu nỗi Nhục thua kém do chế độ độc tài đảng trị Cộng Sản mang lại. Hãy sống và chiến đấu, trào lưu dân chủ không thể nào tránh khỏi. Tình hình Việt Nam hôm nay lại càng không thể nào tránh khỏi. Người tài giỏi phải có quyền đứng ra quản lý đất nước, bất chấp sự khác biệt tôn giáo, chính trị, đảng phái.

Trong hào quang Trống Đồng Việt Tộc, với hồn thiêng sông núi Việt Quốc, dưới tinh anh Việt Linh, cám ơn đất mẹ đã cho tất cả chúng ta lòng quả cảm, một tình yêu quê hương, dám nhìn vào sự thật, nói lên sự thật, hành động vì sự thật. Một sự thật mang ích lợi cho nước nhà.

Phạm Bá Hải
Chủ tịch sáng lập BDGF.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét